Monday, September 11, 2006

Cúc vô ưu - hoa Susi

Susi magnify

For my dear Oshin (Daisy :))

Có lần tớ bảo khi có dịp sẽ chụp ảnh hoa susi cho nàng xem, vì tớ nói thích hoa này mà nàng thì không biết susi là hoa gì. Nhưng đến giờ tớ vẫn chưa chụp được. Ở Hà Nội bây giờ, susi hiếm thấy quá. Tình cờ tớ biết được tên khoa học của susi - Calendula officinalis. Đấy là tên Latin nhỉ, có tên tuổi chính xác chắc nàng đã biết nó là hoa gì rồi, nàng là từ điển về các loài hoa mà J. Còn cái tên Susi thì hoá ra có nguồn gốc từ tên tiếng Pháp - Souci officinal. Hoa này còn được gọi là Holigold, Pot Marigold hoặc Bride of the Sun - một loài cúc có màu vàng hoặc vàng cam rực rỡ. Có lẽ vì màu sắc ấm áp vui tươi của nó mà trong tiếng Việt, loài hoa này còn có tên là Cúc vô ưu.

Nhờ có từ khoá đúng nên tớ xin được bác Gúc gồ một ít ảnh cho nàng đây.

Souci
ss20
ss19
ss18
ss15
ss8

Trong mắt kẻ lang thang bơ vơ mê c(g)ái đẹp, susi chỉ có mỗi một công dụng là để ngắm mà thôi. Nhờ bác Gú gồ tớ biết thêm loài hoa này còn có nhiều công dụng khác nữa, ví dụ:

+Làm thức ăn:

Cánh hoa susi có vị hơi đắng và mùi thơm nhẹ được ăn kèm trong các món súp cá và thịt, các món cơm, salad, cánh susi còn được dùng để tạo màu cho bơ và pho mát. Vào thời Trung cổ người ta dùng nguyên cả bông hoa susi để trang trí cho các món ăn trên bàn tiệc.

Trà susi: cho 2 thìa cà phê cánh susi vào một cốc nước, ngâm trong 20 phút.

Có cả công thức làm rượu susi nữa ^^

+Làm thuốc:

Susi giúp chữa lành vết thương, cả nội thương lẫn ngoại thương. Nó có tác dụng khử trùng và tăng cường dòng máu chảy đến các vùng bị bệnh. Susi được ngâm thành cồn thuốc để thoa vết thương, làm thành kem dưỡng da, trị mụn trứng cá. Uống nước sắc bằng hoa susi tốt cho tiêu hoá và có thể chữa được nhiều bệnh khác. Tinh dầu chiết xuất từ hoa susi là một sản phẩm rất có giá trị.

+ Susi trồng trong vườn rau có thể giúp kiểm soát côn trùng trong vườn.

+ Các công dụng huyền bí của susi (cái này khoa học nhất quyết không chịu chứng minh :D):

Những cánh susi rực rỡ được coi là hiện thân của lửa mặt trời.Susi từng được đem vào toà án để cầu mong các bản phán quyết thuận lợi. Susi được đặt dưới đệm nằm để cầu mong các giấc mơ tiên tri. Hoa susi được tết thành vòng treo ở ngưỡng cửa để xua đuổi không cho ma quỷ vào nhà.

fireppng

Nhà tớ mà có vườn tớ sẽ trồng hoa susi :). Nhà nàng có vườn không? My dear?

Pakita


Friday, December 30, 2005

Thiên đường hoa Cúc

Tặng Daisy a DAISY PARADISE



Chamomile & Dogfennel



Marigold



African Daisy



Cosmos



Star of the Veldt




Transvaal Daisy, Gerber Daisy



Gazania




Coreopsis



Coneflower

FR

Hoa Cúc

Danh sách ảnh

Cúc tím

Cúc tím #2

Cúc tím #3

Cúc tím #4

Cúc đại đóa

Vườn cúc

Vườn cúc #2

Lối hoa

Đỏ

Sắc màu

Vườn cúc #3


Cúc là một trong bốn cây cảnh: Tùng, Cúc, Trúc, Mai, đuợc ví như 4 người bạn thân. Dáng hoa rất đẹp, mùi thơm dịu dàng và kín đáo, thơm cả lá và cành. Vào ngày Tết, ngày lễ hoa cúc cắm trên bàn thờ. Cúc có nhiều loại : trong nước, có loại cúc thường, cúc gấm, cúc móng rồng, cúc đại đoá, cúc nước ngoài trồng ở Việt Nam, các giống hoa cúc đều có màu sắc thanh nhã và dịu dàng. Người ta phân loại cúc theo dạng hoa đơn và hoa kép. Có giống hoa màu vàng, màu trắng, loại hoa nhỏ thường có nhiều cành hoa và mỗi cành cho nhiều bông. Cây hoa cúc được trồng quanh năm. Hoa cúc được chơi theo nhiều cách, có thể cắm bình, lọ, bát hoặc trồng trong bồn chậu để tran g trí trong nhà, đặt trên đôn ghế hay ở ngoài sân, ngoài hiên, trên ban công. Cúc là một loài hoa đẹp, thơm, hoa cúc thường dùng ướp trà, lấy hương pha chế thành một loại rượi ngon hoặc sử dụng như một vị thuốc chữa nhữ đầu, sáng mắt. Hoa cúc vừa có ý nghĩa về cả mặt nghệ thuật và y học.

Song người xưa ví cúc như một biểu tượng tâm hồn thanh cao của những nhười muốn xa lánh vòng danh lợi. Ngày nay vẻ đẹp của hoa cúc cũng làm trào dâng bao cảm xúc của các thế hệ các nhà thơ Việt Nam.

Nguồn dalatrose.com

Thursday, December 29, 2005

Hoa cúc- Vị thuốc thần tiên của đất trời

Nguyễn Tràng Cát

Xưa nay phần lớn thơ - từ thưởng thức và ngâm vịnh về cúc đều nhằm vào các loại cúc thưởng ngoạn có đóa hoa rất to. Còn các loại cúc dùng làm thuốc thì có hoàng cúc, bạch cúc và cúc mọc hoang, hoa rất nhỏ, hoàng cúc có tên là hàng hoàng cúc, có vị ngọt, hơi đắng. Bạch cúc còn gọi là là hào cúc, trừ cúc. Bạch cúc tính mát vị ngọt hơi đắng, lại còn gọi là cam cúc (cúc ngọt). Cúc mọc hoang vị đắng tính hàn. Hoàng cúc chủ yếu dùng chữa cảm mạo; bạch cúc dùng chữa trị cao huyết áp, đau đầu chóng mặt, mắt mờ; cúc mọc hoang dùng để chữa trị lở loét, mắt đỏ. Hoa cúc có chứa các thành phần long não volatilization oil, inuli (C6H10O5), glucoside, flavone v.v... Thực nghiệm dược lý chứng tỏ hoa cúc có thể kháng khuẩn, kháng virus (siêu vi trùng) cảm cúm, làm giãn mạch máu, hạ thấp huyết áp, hạ thấp mỡ trong máu. Các bài thuốc nổi tiếng có: Tang cúc ẩm, dùng hoàng cúc chữa trị các chứng cảm mạo; Ngũ vị tiêu độc ẩm, dùng cúc mọc hoang chữa trị đinh nhọt; Kỉ cúc địa hoàng thang, dùng bạch cúc để chữa trị chứng đau đầu, chóng mặt, ù tai, mờ mắt; Viên hạ áp trân cúc, dùng bạch cúc để chữa trị cao huyết áp; lượng hoa cúc làm thuốc thường dùng khoảng 10g, lượng lớn đến 30g, đem sắc uống.

Hoa cúc có thể dùng làm rau ăn, điều này cũng đã có ghi chép trong thời cổ đại, chẳng hạn trong Sở từ của Khuất Nguyên có câu: "Tịch xan thu; cúc chi lạc anh" (bữa cơm tối có hoa thu cúc rụng). Trong "Bản thảo cương mục" chép rằng cam cúc "ăn sống, ăn chín đều được", "có thể nấu canh ăn"; lại cũng chép rằng "Ắn hoa cúc lâu ngày sẽ có thể kéo dài tuổi thọ", "nhiều tóc, sinh năng", "tôn nhan sắc đẹp lên nhiều", đồng thời cũng khen hoa cúc có 5 cái đẹp: "Hoa tròn vành vạnh như mặt trăng treo lơ lửng trên trời xanh; màu vàng thuần khiết không lẫn màu vàng của đất trời; trồng thì sớm mà ra hoa thì muộn, giống y như đức của người quân tử vậy; vươn lên trong sương giá tượng trưng vẻ kiên trinh, tiết tháo, thanh tao; nước thuốc hoa cúc rót trong chén uống chẳng khác gì uống một thứ nước thần tiên vậy", nó tượng trưng cho một món ăn, một vị thuốc của đất trời chứa đầy vẻ đạo đức, tiết tháo, kiên trinh, thần tiên, được đánh giá rất cao không có một vị thuốc nào trong trung dược có thể so sánh ngang bằng được. Trong "Diêu khê ngư ẩn tùng thoại" thời Tống có chép "Trong vùng núi sâu ở Nam Dương, Hà Nam, có một con suối nhỏ, nước trong veo, lại có nhiều hoa thơm quả ngọt; dọc hai bên bờ suối đó đều được trồng kín hoa cúc, dân làng hai ba chục hộ ở đấy đều rất thích ăn hoa cúc, uống nước suối, phần đông dân cư đều sống đến 120, 130 tuổi". "Bản thảo cương mục" cũng có những đoạn ghi chép tương tự, như dùng cam cúc chế thành thuốc viên "băng niên phương" (thang thuốc tăng tuổi thọ), uống vào một năm thì tóc bạc chuyển sang đen, uống hai năm thì răng rụng tái sinh, uống 5 năm thì cụ già 80 tuổi vẻ mặt sẽ rạng rỡ, phấn chấn hẳn lên. Tóm lại, dùng hoa cúc trong ăn uống có thể có lợi cho tuổi thọ rất nhiều, điều đó đã được ghi chép nhiều ở các sách cổ xưa; còn hoa cúc trồng để làm rau ăn thì còn cần nghiên cứu khai thác thêm nhiều nữa để khẳng định thêm giá trị của nó.

Còn về cái thanh tao, cao khiết, sáng trong của hoa cúc thì ngay từ thời Khuất Nguyên, thời Đào Uyên Minh đến nay, các thi nhân của nhiều thời đại đều đã không ngớt lời ngợi ca về mọi phương diện; số tác phẩm hay đẹp được truyền tụng qua ngàn đời về hoa cúc rất nhiều. Nhưng, đối với việc hoa cúc có rụng hay không, thì trong số các thi nhân nổi tiếng thời Tống có một cuộc tranh luận nho nhỏ, trở thành câu chuyện vui. Thơ vịnh cúc của Vương An Thạch có câu: "Mưa gió hoàng hôn ngập vườn cây; hoa cúc vàng khắp đất này" (Hoàng hôn phong vũ minh viên lâm, tàn cúc phiêu linh mãn địa kim). Ấu Dương Tu cười viết: "Trăm hoa rụng tốt, còn trơ cành cúc khô mọc nhĩ" (Bách hoa tận lạc, độc cúc chi thượng khô nhĩ). Tô Đông Pha làm thơ nói khích: "Hoa cúc mùa thu không rụng như hoa xuân, đó là để báo nhà thơ nhìn cho kỹ" (Thu anh bất tỉ xuân hoa lạc, Vi báo thi nhân tử tế khán). Vương An Thạch nghe xong bảo rằng: "Hoa cúc mùa thu rụng là thơ của Khuất Nguyên, lẽ nào Tử Thiêm không rõ sao?". Bản thân Tô Đông Pha cũng có câu thơ vịnh "Dạo gót tường đông ngửi mùi hoa cúc rụng" (Man viễn đông li khứu lạc anh). Trên thực tế, hoa cúc trong phòng chỉ khô quắt lại chứ không rụng, nếu ở ngoài trời mưa to gió lớn cũng có thể rụng, song "vàng khắp đất" thì lại chỉ là lời khuếch đại của nhà thơ mà thôi. Hoa cúc làm thuốc thì hái vào lúc hoa còn chúm chím chưa nở bung ra, dĩ nhiên, không thể là hoa rụng được.

Còn về việc dùng hoa cúc làm ruột gối thì thời cổ xưa cũng đã có ghi chép lại còn lưu truyền trong dân gian cho đến ngày nay. Thành phần volatilization của hoa cúc được người hấp thu từ từ qua miệng, mũi, da làm cho ban đêm người ta dễ ngủ, đến sáng dậy thì đầu óc tỉnh táo, mắt sáng, nét mặt rạng rỡ. Có người dùng hoa cúc phối hợp với những vị thuốc như bạch chỉ chẳng hạn làm thành gói thuốc, dùng để điều trị cho trên 1.000 bệnh nhân mất ngủ, đã kéo dài thêm giấc ngủ được trên 2 giờ, tỷ lệ hữu hiệu trên 90%, không có bất cứ một phản ứng phụ nào. Đối với người già và người huyết áp cao lại càng thích hợp. Trẻ em dùng gối thuốc hoa cúc có thể phòng chữa bệnh rôm sảy.

Hoa cúc có thể ứng dụng rộng rãi trong việc ăn uống để chữa bệnh, như pha chế thành đồ uống, bánh điểm tâm, làm món ăn trong bữa ăn hàng ngày. Trong thức ăn hàng ngày dùng hoa cúc bày ở xung quanh mép đĩa, dùng cánh hoa làm món rau xào, nước hoa cúc đem nấu canh. Hoa cúc nấu với bột cua là một trong những món ăn nổi tiếng của Trung Quốc. Hoa bạch cúc ngâm rượu, không những màu, mùi, vị đều tốt, uống lâu dài không những sẽ bổ ích cho cơ thể, mà còn có thể giải nhiệt của rượu, có thể phối hợp dùng với cẩu khởi tử; nhưng độ rượu chỉ nên thấp thôi.







Hoa cúc trắng

Innocence - Loyal love - I'll never tell - Purity – Beauty

[image]


Tên tiếng Việt - Tên tiếng Anh - Tên tiếng Pháp - Tên Latin - Ý nghĩa

Hoa cúc kép : Daisy double - Paquerette double - Bellis hortensis - Affection
Hoa cúc đơn : Daisy single - Paquerette simple - Bellis simple - Innocence
Hoa cúc dại : Daisy wild - Marguerite des près - Bellis perennis - Do you love me ?

Cúc dại là loài hoa nhỏ thường mọc hoang, có những cánh trắng ngần, từ giữa tỏa ra như hình nan hoa quanh một nhụy vàng tươi. Trẻ em thường thích hái hoa cúc dại để kết thành bó hay xâu thành chuỗi. Ở Anh, cúc dại còn được gọi là Baby's pet hay Bairnwort có nghĩa là hoa của trẻ em.

[image]
Tên tiếng Anh - Daisy - của loài hoa này bắt nguồn từ một từ Saxon, day's eye, có nghĩa là "con mắt ban ngày", có lẽ vì hoa nở cùng với ánh sáng ban mai rồi khép lại những cánh trắng khi chiều xuống.

Theo thần thoại La Mã, bông hoa nhỏ bé này có nguồn gốc từ Belides, một trong các nữ thần chăm sóc các khu rừng. Một hôm, khi Belides đang nhảy múa với người yêu của mình là Ephigeus, cô đã lọt vào mắt xanh của Vertumrus, vị thần cai quản các vườn cây. Để bảo vệ cô khỏi sự săn đuổi này, Flora, nữ chúa các loài hoa, đã biến cô thành một đóa hoa cúc trắng.

Còn theo truyền thuyết của người Ailen cổ, hoa cúc trắng chính là linh hồn những hài nhi đã chết khi vừa mới sinh ra. Chúa rải hoa cúc khắp núi đồi và thảo nguyên, khắp trần gian để làm vơi đi nỗi buồn của những người cha mẹ ấy. Truyền thuyết giải thích tại sao daisy mang ý nghĩa sự trong trắng - ngây thơ.

Người xưa còn dâng tặng hoa cúc cho Artemis (The goddess of women).

Người ta tìm thấy rất nhiều hình những bông cúc trên gốm sư Ai Cập cũng như ở những nơi khác suốt vùng Trung Đông. Người Assyria dùng hoa cúc để chữa một số bệnh về mắt. Họ cũng tin rằng, nếu bạn nghiền hoa cúc và trộn chúng với dầu rồi quét lên tóc sẽ làm cho tóc muối tiêu đen trở lại. (Em hông biết về người Assyria là ai, hic ! Tra từ điển chỉ thấy nói, đó là một đế quốc thời cổ đại ở Tây Nam châu Á, bành trướng từ vịnh Ba Tư đến Ai Cập và vùng Tiểu Á, vào thế kỷ thứ 7 trước Công Nguyên).

Ở Việt Nam, hoa cúc được xếp vào tứ quý (Mai, Lan, Cúc, Trúc). Người thời xưa yêu hoa cúc vì nó là loài hoa : " Diệp bất ly chi, hoa vô lạc địa". Lá hoa cúc không bao giờ rụng khỏi cành, dù đã héo quắt. Hoa cúc cũng không chịu rụng, dù héo khô vẫn bám lấy cành như người quân tử suốt đời không rời xa lý tưởng của mình. Trong quốc huy nước Nhật cũng có hình hoa cúc .

"Marguerite"-tên tiếng Pháp của hoa cúc, có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là hạt ngọc trai "pearl". Người ta nói rằng, St. Louis đã khắc hình hoa cúc cùng với hoa diên vĩ (fleur-de-lis) và thánh giá trên chiếc nhẫn của ông. Chiếc nhẫn này, theo lời nhà vua, tượng trưng cho tất cả những gì ông yêu quý nhất : tôn giáo, nước Pháp, và vợ ông - Marguerite.

[image]


Có một câu nói xưa của người Anh bảo rằng mùa xuân vẫn chưa đến cho tới khi bạn có thể đặt bàn chân mình trên 12 bông cúc. Họ cũng cho là, nếu bạn mơ thấy hoa cúc vào mùa xuân hay mùa hè thì tốt, nhưng nếu vào mùa thu hay mùa đông thì lại là điềm chẳng lành.

He loves me, he loves me not, he loves me...

Nếu một cô gái nhỏ nhắm mắt lại và hái một chùm cúc dại rồi đếm thì số hoa trong chùm hoa đó sẽ là số năm còn lại trước khi cô lấy chồng. Các thiếu nữ cũng thường bói tình yêu bằng cách lần lượt bứt từng cánh của một bông cúc dại đồng thời lập đi lập lại điệp khúc :

"Chàng yêu ta, chàng không yêu ta, chàng yêu ta..."

[image]

Nếu có thể trở thành một bông hoa
Xin được hóa thân thành hoa cúc trắng
Khép nhẹ khi hoàng hôn tĩnh lặng
Và nhờ dương đánh thức lúc ban mai
Ta đón chào tia nắng sớm khoan thai
Và đón cả những long lanh nước mắt

(I'd choose to be a Daisy - Khuyết danh)


Hoa cúc

Trăm hoa đua nở, vắng ngươi hoài !
Trăm hoa tàn rồi mới thấy ngươi
Tháng rét một mình, thưa bóng bạn
Nhị thơm chẳng rữa, chạnh lòng ai

Nhấp nhô lưng giậu xanh chồi trúc
Óng ả đầu hiên mướt ngọn mai
Cất chén mỉm cười, vừa ý tớ
Bõ công vun xới đã lâu ngày.

Nguyễn Khuyến

Một sớm nắng xôn xao về...


Zdreamer

[image]

Hoa vàng như nắng, nắng vàng như hoa
Mùa đông em đợi anh trước hiên nhà
Nỗi buồn ở đâu đậu vào đuôi mắt...

Hoa vàng như nắng, nắng vàng như hoa
Bó gối mà đợi phố trắng sương mờ
Gió thì ruổi rong mà đời lẳng lặng

Hoa vàng như nắng, nắng vàng như hoa
Anh đã dặn em anh sẽ trở về
Có nhớ, có thương, tình ơi đừng khóc

Hoa vàng như nắng, nắng vàng như hoa
Mùa đông em đợi anh trước hiên nhà
Yên lòng đi nhé, à ơi, ơi à...

Hoa vàng như nắng, nắng vàng như hoa...

Wednesday, December 28, 2005

Hoa cúc vườn xưa


Tình cờ về ngang vườn cũ
Mười năm hoa cúc còn vàng
Nhoi nhói một thời nông nổi
Mười bảy vấp ngã tình tan...



Hoa cúc vườn xưa

(Nguyễn Xuân Hoàng)

Vỹ Dạ có lẽ là nơi trồng nhiều hoa cúc nhất ở Huế. Hoa được trồng trong vườn nhà, ven sông Hương, dọc theo những bãi bồi, trên những cánh đồng rộng màu mỡ phù sa. Kể từ mùa thu, hoa cúc tiểu muội đã nở rất sớm. Cánh hoa hơi gầy, nhưng giữa một bầy lá xanh xao vẫn ửng vàng những nụ hoa nhỏ như những dấu chấm mà người nghệ sĩ tạo hóa đã vô tình để rơi nhòe trên mặt toan trắng.

Tiết trùng cửu, mùng chín tháng chín, hoa cúc Vỹ Dạ đã nở những nụ duyên đầu tiên. Màu hoa vàng phai tơi tả trong gió lạnh. Hương nhu mì lan tỏa khắp vườn. Trong hương cúc như có mùi cỏ dại, mùi mồ hôi sau chân tóc con gái đằm thắm quê mùa. Chút hương ấy tàn phai trong mê muội khiến chân muốn đi mà lòng không sao bước nổi khỏi vườn xưa.

Hoa cúc tiểu muội e ấp bao nhiêu thì cúc đại đóa rực rỡ bấy nhiêu. Hoa vàng rực không một chút che giấu, cứ thế nở to như bàn tay phô phang một cách đành hanh nhan sắc giữa đời. Mùa xuân nhìn đến hút tầm mắt cũng chỉ thấy một màu hoa cúc vàng mười ròng ròng những giọt nắng. Ngắm hoa cúc nở mà lòng cứ mê đi như vừa lạc vào chốn xưa Đào nguyên. Tôi ngây ngất trước màu hoa phò mã, trước sự thanh khiết không thể nói lên lời. Lời hoa cúc là nhan sắc hoa, hay chính là hương hoa cười đoan trang như một tình yêu đơn phương cho khắp thế gian này.

Kỳ ảo nhất có lẽ là ngắm hoa cúc vàng trong những đêm trăng. Dưới ánh trăng thôn Vỹ xanh mướt lòng, màu hoa vàng mộng mị. Bóng tối viền quanh dáng hoa, hắt lên sắc vàng một màu tím u nhã. Cánh hoa chợt như có tâm hồn khẽ lay động suốt đêm thâu. Người ngồi quanh hoa như bè bạn, tìm đến hoa trong mối tương cảm của một đời sống tâm linh sâu thẳm...

Trong câu chuyện quanh chiếu rượu, chúng tôi nói về một Vỹ Dạ xưa. Nơi đây ngày ấy chỉ toàn vilô, lau lách đứng san sát bờ bãi. Người muốn đi phải luồn sâu trong những lối đi nhỏ. Và ông hoàng Tuy Lý Vương với tâm hồn của một nghệ sĩ bẩm sinh, đã ký thác bao tâm khảm vào ánh trăng xanh vời vợi thôn Vỹ. Những đóa hoa cúc này phải chăng là hậu duệ của làng hoa cúc xưa. Là người yêu hoa cúc, tôi muốn "giải oan" rằng thôn Vỹ không chỉ đẹp bởi bóng cau xưa trong thơ Hàn, bây chừ vắng cau, thôn Vỹ đẹp là nhờ ở hoa cúc, ở sắc vàng truyền thống không một gợn màu lai.

Cũng hiếm có loài hoa nào nở bền bỉ như hoa cúc. Hoa nở mãi từ mùa thu cho đến cuối mùa xuân. Và suốt ba mùa ấy, hoa cũng chỉ giữ một màu vàng, sắc hoa như diện mạo người quân tử, không ngả lòng trước bao biến cố. Và màu vàng ấy là tấm lòng hoa gắng gượng, chắt chiu bao nhiêu nắng, gió và sương mù để sinh thành riêng một màu hoa.

Nhớ ngày nọ cũng vào mùa xuân, cùng bạn bè xuôi đò từ Đập Đá về Vỹ Dạ. Giữa bảng lảng trời mây, đò đi bồng bềnh như một đóa hoa súng lạc. Đò đi qua bến Cô Thừa giai nhân và kỳ lạ chưa, lọt thỏm giữa ngàn tre dại, bên triền sông chợt thấp thoáng cả một vườn hoa cúc vàng. Màu hoa rưng rưng như chiếc khăn tay của ai đó vẫy hoài bên bến sông. Thấp thoáng sau ngàn hoa, mênh mông một mái tóc thề con gái. Gió từ lòng sông rộng thổi lên rười rượi mặt hoa. Ôi xao xuyến màu tóc xanh giữa một trời hoa cúc vàng mơ. Như một ảo ảnh, những đóa hoa cúc bên triền sông Hương chợt gần chợt xa cứ đè lên ngọn gió mà đi như một giấc chiêm bao. Và cho đến khi bừng tỉnh, màu hoa vẫn còn trước mặt như một hiện hữu của ký ức. Tôi mệnh màu hoa cúc vàng ấy là màu hoa của tương tư. Nó là tiếng hát của Trương Chi, mà cung mi thứ đã nghẹn lại trong sắc vàng tức tưởi nhớ thương. Cái chén đã vỡ tan nghìn mảnh mà sao còn ở lại một sắc vàng như trôi trên bến xưa ?

Mãn mùa hoa cúc, người Vỹ Dạ chọn những đóa hoa cúc can trường nhất để ngâm rượu. Đúng mười hai lần trăng Vọng, rượu cúc khi cất ra sắc vàng sóng sánh như hoa lúc còn đương nụ. Chiết rượu cúc ra chiếc cốc nhỏ, còn nghe hương hoa ngan ngát thơm, bao nhiêu mộng mị lại tràn về. Uống rượu hoa cúc năm ngoái, ngắm hoa cúc đương thì, gối đầu lên tay lòng bảng lảng mà e ngại cho mối tình của Thôi Hộ riêng chỉ dành cho hoa đào ngày xưa.

Mùa xuân này tôi về lại vườn xưa, lòng ba bận bâng khuâng đi tìm hoa cúc. Nắng buổi sáng minh mang giăng kín những lối đi rất nhiều sương mù. Ngơ ngác bên triền sông một tiếng chim kêu cô lẻ. Rừng rực trong cơn mê, mắt chợt chộ một trời hoa cúc. Ơ ai như em ngày xưa vận áo vàng cho tôi một đời thương nhớ sắc hoa...

Tình tang hát lời chim sáo
Mười năm bỏ phố lên rừng
Ngỡ tháng ngày dần khuất lấp
Về ngang vườn cũ rưng rưng

Rưng rưng lần theo nỗi nhớ
Cúc vàng vẫn màu vàng xưa...